Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là trách nhiệm của tất cả các cơ sở giáo dục đại học, bởi đảm bảo chất lượng giáo dục không chỉ phục vụ mục tiêu đánh giá ngoài/ kiểm định chất lượng giáo dục mà còn là yếu tố nền tảng giúp duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo bền vững, giúp cơ sở giáo dục đại học có khả năng thích nghi, hội nhập và cạnh tranh với khu vực và toàn cầu.
Theo Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục số 2452/BC-UBVHGDTTN14 ngày 29/10/2019 của Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, trong hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục có ba thành tựu nổi bật: nền tảng pháp lý và cơ cấu tổ chức của hệ thống kiểm định; năng lực thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định; các thông tin, dữ liệu chính thức về công trình nghiên cứu về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Xét về nền tảng pháp lý và cơ cấu tổ chức, hệ thống kiểm định đại học tại Việt Nam đã khá hoàn chỉnh. Trải qua hơn hai thập niên triển khai, Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp lý đầy đủ để chi phối mọi hoạt động liên quan tới hoạt động kiểm định tại các cơ sở giáo dục đại học. Những văn bản này gồm luật, quyết định, thông tư, chỉ thị, tài liệu hướng dẫn nêu lên các nguyên tắc, tiêu chuẩn, phương pháp và kế hoạch thực hiện hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng. Sự tồn tại của các văn bản pháp lý hoàn chỉnh đã giúp cho công tác kiểm định, vốn là một khái niệm hoàn toàn mới tại Việt Nam cách đây khoảng hai thập niên, được đưa vào triển khai rộng rãi trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Bên cạnh hệ thống văn bản pháp lý, cấu trúc của hệ thống kiểm định Việt Nam cũng được xây dựng hoàn chỉnh. Ở cấp quốc gia, Cục Quản lý chất lượng giáo dục là cơ quan quản lý nhà nước với nhiệm vụ hoạch định chính sách và quản lý hệ thống ở tầm vĩ mô. Ở cấp trung, các trung tâm kiểm định thực hiện việc đánh giá và công nhận kiểm định cho các trường đại học. Ở cấp độ cơ sở, mỗi trường đại học đều có một bộ phận riêng chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng và kiểm định.
Cùng với sự thành lập các trung tâm kiểm định, năng lực thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định đại học tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Các khoa đào tạo kiểm định viên đã giúp các biên liên quan nhận thức rõ hơn về ý nghĩa và vai trò của kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học. Các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng giáo dục như tiêu chuẩn, tiêu chí, minh chứng, tự đánh giá, đánh giá ngoài, đối sánh , trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, văn hoá chất lượng từ chỗ hoàn toàn xa lạ trong diễn ngôn về giáo dục tại Việt Nam đã trở thành các khái niệm phổ biến và dần trở thành một phần của văn hoá chất lượng trpmg các trường đại học tại Việt Nam.
Thành tựu cuối cùng cần nêu lên là sự xuất hiện ngày càng nhiều các thông tin, dữ liệu chính thức cũng như các công trình nghiên cứu được thực hiện trong và ngoài nước về các chính sách cũng như thực tế triển khai kiểm định đại học tại Việt Nam trong vòng một thập kỷ rưỡi qua. Các ấn phẩm trên các tạp chí quốc tế và địa phương, báo cáo tại các hội nghị, số liệu thống kê từ các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định và tài liệu lưu trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đóng góp cho một số lượng lớn tài liệu về sự phát triển của hệ thống kiểm định của Việt Nam. Mặc dù điều này, hiếm khí được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đây thực sự là một thành tựu to lớn, vì nó góp phần làm tăng tính minh bạch của hệ thống giáo dục Việt Nam- một điều căn bản để nâng cao chất lượng. Các kết quả phân tích, nghiên cứu, đánh giá, quan điểm, phản hồi, nhận xét, phê bình, khuyến nghị từ các chuyên gia của Việt Nam cũng như quốc tế cần được xem như là nguồn tư liệu tham khảo quý giá cho các hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam.
Đối với Trường Đại học Bình Dương, thực tế cho thấy, hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục tại Trường đã nhận được niềm tin của cán bộ, viên chức quản lý, giảng viên và xã hội đối với kết quả đánh giá chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo trong những năm gần đây. Có được các thành quả trên, phải kể đến sự nỗ lực xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, từng bước hình thành văn hóa chất lượng với mục đích làm cho mọi thành viên của Nhà trường đều hiểu, quan tâm và mong muốn cải tiến chất lượng giáo dục. Mặt khác, lãnh đạo Nhà trường quan tâm và am hiểu về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; áp dụng sâu rộng khoa học giáo dục, quản trị đại học, thông tin trong công tác bảo đảm chất lượng; đồng thời chỉ đạo thực hiện cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo nhằm giúp Nhà trường định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động. Việc phân tích, mô tả hiện trạng, chỉ ra điểm mạnh, tìm được tồn tại đồng thời lập kế hoạch hành động và đề ra giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại này chính là những định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của Trường Đại học Bình Dương.
Cũng trên cơ sở đó, Nhà trường có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định; để có thể tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của Nhà trường. Mặt khác, Trường Đại học Bình Dương chủ động tiến hành triển khai hoạt động tự đánh giá lần lượt các chương trình đào tạo và đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục/cơ sở giáo dục được xem là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà Nhà trường mong muốn mang lại cho người học và các bên liên quan khác như nhà tuyển dụng, xã hội.
Cũng cần nói thêm, chủ trương xây dựng văn hóa chất lượng trong Nhà trường giúp mỗi thành viên của Trường Đại học Bình Dương hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan; qua đó, từng thành viên chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội, đáp ứng nhu cầu của người học cũng như bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các vùng phụ cận./.
Đàn Phương Hằng
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)