Kiểm định chất lượng giáo dục có là gánh nặng của các cơ sở giáo dục đại học?

Thứ ba - 30/07/2024 22:48
Với quan điểm xem kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo của một cơ sở giáo dục, Trường Đại học Bình Dương cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục giúp bảo đảm chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng, bảo đảm rằng người học nhận được một trải nghiệm học tập tốt và chuẩn bị tốt cho tương lai; và kiểm định chất lượng bảo đảm giúp chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế. Điều này bảo đảm rằng người học được cung cấp kiến thức và kỹ năng tốt nhất trong suốt quá trình học tập tại trường. Có thể nói, hoạt động kiểm định này giúp cho xã hội có các thông tin minh bạch, đáng tin cậy và giúp người học có nhiều sự lựa chọn trước khi đưa ra quyết định nhập học. Ngoài ra, từ kết quả khuyến nghị của việc kiểm định chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học nói chung, Trường Đại học Bình Dương nói riêng sẽ cải thiện liên tục để nâng cao hiệu suất đào tạo, tăng cường uy tín của cơ sở giáo dục, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới phương thức đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động.
Trường Đại học Bình Dương làm việc với Trung tâm kiểm định giáo dục Sài Gòn. 
 
Theo kết quả khảo sát của CEA-SAIGON (tháng 8/2023) với 57 kiểm định viên vừa là cán bộ cơ hữu vừa là cộng tác viên, cho biết:
  • 42/57 (gần 74%) thành viên đồng ý với quan điểm kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo giúp cho các trường/khoa cải tiến chất lượng, thể hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.
  • 24/57 (hơn 42%) thành viên thống nhất việc tham gia kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giúp các khoa, bộ môn hiểu hơn về việc phát triển chương trình đào tạo.
  • 01/57 (1,75%) thành viên cho rằng kiểm định chất lượng chưa mang lại tác động tích cực mà còn gây phiền phức, tốn kém cho các trường.
Điều này cho thấy hầu hết các cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục đều nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo. Một trong những vai trò nổi bật nhất là kiểm định chất lượng giáo dục các chương trình đào tạo giúp cho các trường/khoa cải tiến chất lượng, thể hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.
Bên cạnh sự tán đồng chủ trương kiểm định chất lượng giáo dục thì có thêm một số ý kiến làm rõ thêm các quan điểm vì sao cần phải quan tâm hơn công tác kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo. Cụ thể, vấn đề quản trị của các trường chưa tốt vì còn đối phó khi kiểm định nên xem đó là gánh nặng (ThS. Nguyễn Thị Sáu – Nguyên Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM); muốn xem vấn đề thật sự hiệu quả như thế nào cần xem lại mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục để làm gì? Kết quả và khuyến nghị của kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục đã thật sự sử dụng hiệu quả chưa? Nếu thật sự đã đạt được mục tiêu như mong đợi thì việc này sẽ không bị xem là gánh nặng. Tuy nhiên, việc cải tiến công tác kiểm định chất lượng giáo dục cũng cần phải quan tâm để tránh các vấn đề phức tạp như báo chí đã nêu (PGS.TS. Lê Chi Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn).

Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo mặc dù có mang lại tác động tích cực nhưng cũng làm tốn kém thời gian và tiền bạc. Các trường cần có giai đoạn đầu để thích nghi với việc kiểm định và trường nào đang trong giai đoạn này thì đúng là gánh nặng do các trường còn lúng túng khi chưa thiết lập được hệ thống quản lý minh chứng hiệu quả. Tuy nhiên, sau lần đầu thì các trường sẽ rút kinh nghiệm cải tiến, thậm chí tự động hóa quy trình quản lý minh chứng thì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và từ đó mọi hoạt động của trường sẽ trở nên bài bản và chuyên nghiệp, tạo lập được văn hóa kiểm định. Đó chính là kết quả và hiệu quả do kiểm định mang lại. Kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đang cần cách nhìn bình tĩnh, hệ thống và tầm nhìn xa, không nên lo sợ và đổi dòng chỉ vì một số ý kiến quan ngại (những ý kiến này không sai nhưng luôn hiện hữu trong bất cứ hoạt động nào). Có quan điểm cho rằng nên cho phép các trường tự kiểm định; tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam không nên chuyển sang cơ chế tự kiểm định vì nếu tự kiểm định thì sẽ cho được kết quả “mỹ mãn” hơn hiện nay rất nhiều nhưng không phản ánh đúng chất lượng của giáo dục đại học, và thực chất chính là tự từ bỏ cơ chế kiểm định chất lượng chương trình đào tạo hiện đang đi vào nề nếp. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đến lúc nào đó, 100% các chương trình đào tạo phải được kiểm định cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc dần loại bỏ khỏi xã hội các chương trình đào tạo không đạt chất lượng. Vấn đề còn lại chỉ là lộ trình thời gian thực hiện và lộ trình giảm thiểu chi phí kiểm định mà thôi. Đối với lộ trình thời gian thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống kê số liệu và tốc độ kiểm định hiện nay để đưa ra yêu cầu sát hơn với thực tiễn kiểm định, tránh tình trạng quá tải cho các trường và các trung tâm kiểm định (PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu – Trường Đại học Luật Hà Nội).
 
Buổi sinh hoạt của HĐ TĐG Trường Đại học Bình Dương
 
Công tác tự đánh giá sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi các trường xây dựng được một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vững mạnh, vận hành trên cơ sở đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên nắm vững chuyên môn, các văn bản hướng dẫn thực hiện, biểu mẫu báo cáo dữ liệu, thông tin, và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ lưu trữ, trích xuất dữ liệu. Thực tế cho thấy, việc chọn ngành và trường của phụ huynh và người học phụ thuộc vào danh tiếng từ chất lượng thực của người học tốt nghiệp, tỉ lệ có việc làm, thu nhập bình quân, hơn là ngành hay trường đó đạt chứng nhận kiểm định nào. Xu thế tất yếu, các cơ sở giáo dục rồi sẽ ý thức được việc bảo đảm chất lượng đào tạo của mình gắn chặt với sự tồn tại và phát triển của mình và khi đó việc bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục không phải chỉ mang tính hình thức, bắt buộc như hiện nay (PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ).

Trường Đại học Bình Dương hoàn toàn thống nhất với quan điểm: cái được lớn nhất của công tác kiểm định là làm thay đổi nhận thức của không chỉ đội ngũ lãnh đạo các trường mà cả các giảng viên thông qua các khuyến nghị, đề xuất; để họ cải tiến, thực hiện và hình thành văn hóa chất lượng mang tính sâu rộng trong nhà trường.

Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều nhằm xây dựng văn hóa chất lượng BÊN TRONG nhà trường, tự cải tiến chương trình đào tạo. Lúc đó, đánh giá từ bên ngoài chắc chắn sẽ không còn gặp tình trạng đối phó và bị xem là gánh nặng của các cơ sở giáo dục đại học./.
Phòng BĐCL&KT
(Lược trích)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây