Sáng ngày 17/8/2024, Khoa Luật học, Trường Đại học Bình Dương (BDU) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Thúc đẩy việc làm bền vững và công bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Chính sách, pháp luật và thực tiễn thu hút nhiều diễn giả trong và ngoài nước cùng tham gia.
Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Bình Dương có sự tham dự của: PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường. TS.LS Phan Thông Anh - Trưởng Khoa Luật học; TS. Bùi Giang Hưng - Giảng viên Khoa Luật học; TS. Nguyễn Bình An – Giảng viên khoa Luật học; ThS. Vũ Đức Quý – Chuyên viên Phòng Quản lý khoa học và Quan hệ đối ngoại. Hội thảo cũng rất vinh dự nhận được sự quan tâm và tham dự đông đảo đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia nghiên cứu đến từ các Trường Đại học, Cao đẳng, các Ngân hàng, Doanh nghiệp, các Hiệp hội, các Công ty Luật,…
PGS.TS Lê Văn Cường - Phát biểu tại khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Văn Cường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường lao động công bằng và bền vững trên toàn cầu. Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối, việc đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và công bằng cho người lao động là một nhiệm vụ cấp thiết. Đồng thời, cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế để hoàn thiện các chính sách và pháp luật liên quan, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy phát triển bền vững. Hy vọng rằng, những nghiên cứu và thảo luận tại hội thảo sẽ mang lại những giải pháp thiết thực, góp phần cải thiện môi trường làm việc trên toàn cầu, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì sự công bằng và phát triển bền vững của xã hội.
Hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên thảo luận song song, với các nội dung được chia sẻ như sau:
- Phiên 1. Chính sách và pháp luật bảo đảm thúc đẩy việc làm bền vững và công bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại phiên này, các đại biểu đã nhận được sự chia sẻ của TS. Chu Thị Thúy Hằng - Viện Quyền Con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với bài tham luận “Bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam di cư trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Thách thức và Giải pháp”. Tiếp theo đó, Tiến sĩ Aneesh V. Pillai - Trường Nghiên cứu Pháp luật, Đại học Khoa học và Công nghệ Cochin, Ấn Độ với bài tham luận “Đảm bảo việc làm bền vững và công bằng: Quan điểm so sánh về tiêu chuẩn quốc tế và việc thực hiện của Ấn Độ”.
- Tại phiên 2: Với chủ đề Pháp luật Việt Nam về bảo đảm thúc đẩy việc làm bền vững – trường hợp các đối tượng dễ bị tổn thương, Hội thảo đã được lắng nghe các bài tham luận gồm: “Thực hiện chính sách việc làm bền vững đáp ứng yêu cầu giảm nghèo Nghiên cứu trường hợp thực tiễn giai đoạn 2021-2025 tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình” do Ông Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình trình bày. Tiếp theo đó, là bài tham luận “Thực thi công ước số 159 của ILO bảo đảm quyền lao động, việc làm của người khuyết tật trong phát triển bền vững ở Việt Nam” do TS. Trần Thái Dương và TS. Trần Thị Thanh Mai - Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày.
Hội thảo quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy việc làm bền vững và công bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Chính sách, pháp luật và thực tiễn” là diễn dàn giao lưu khoa học pháp lý giữa Trường Đại học Bình Dương, giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, chia sẻ những hiểu biết và hành động về chính sách, pháp luật quốc tế và Việt Nam nhằm tăng cường tính bền vững và công bằng về thực tiễn việc làm trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu, trao đổi tại Hội thảo là những đóng góp quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, an toàn cho Việt Nam nói riêng và Quốc tế nói chung.